Ý kiến nhận xét Áo trắng sân trường (phim)

Theo lời đạo diễn Lê Dân: "Sau khi phim ra mắt khán giả, tôi đã nhận được những lời tán thưởng qua điện thoại, đặc biệt từ các nhà giáo dục và các học sinh, sinh viên".

Theo nhà báo Lan Anh của tạp chí Màn ảnh sân khấu (số ra tháng 8/1994) thì: "Áo trắng sân trường" là bộ phim "học trò" nhất trong số các bộ phim về đề tài học trò đã được công chiếu trước đây… Không có những mối tình tay ba nghiệt ngã, không có những cảnh ngộ éo le bất trắc, không đem tình yêu vào mối quan hệ "Thầy-Trò", bộ phim "Áo trắng sân trường" giữ lại cho lứa tuổi mộng mơ nét trinh nguyên dễ thương và chút rung động đầu đời. Và có lẽ cũng vì thế, bộ phim ít tạo nên kịch tính ngoài cái vẻ hồn hậu, dễ thương, đẹp như một bài thơ về lứa tuổi học trò".

Theo nhà báo Thanh Minh của tạp chí Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (số ra 21/08/1994) thì: "Thứ nhất, là sự lựa chọn diễn viên hợp lý; tạo hiệu quả đồng đều cho các vai diễn (đặc biệt đối với phim có nhiều nhân vật phụ và thứ cùng tham gia vào một đường dây phát triển câu chuyện ở từng bối cảnh cụ thể). Thứ hai, kịch bản phim giản dị, chứa đựng hạt nhân phát triển tình huống mang màu sắc "ngẫu nhiên" nhưng lại khá lôgic và hợp lý. (Chúng ta đều biết không phải bất cứ bộ phim thành công hoặc hấp dẫn nào cũng đều bắt nguồn từ cốt truyện chứa đựng nhiều kịch tính, nhiều tuyến xung đột, mâu thuẫn dạng Mélodrame. Có những tác phẩm mà đề tài chỉ là cái cớ, cái khung để tác giả thả vào đó những gì chất chứa trong thâm tâm mình, nhiều khi một cốt truyện không ra truyện lại mang đến hiệu quả thẩm mỹ hết sức bất ngờ). Thứ ba: thoại phim được gọt tỉa kỹ. Thế nên, tác dụng giáo dục và thẩm mỹ tự nó nằm ngay trong các chi tiết chọc cười, có tính khôi hài của nhân vật. Sự hợp lý của lời thoại dẫn đến việc xử lý tốt độ dài đoạn phim và các trường đoạn có liên quan. Nó giúp gạt bỏ những lúng túng, ấu trĩ trong diễn xuất, tránh được sự nhàm chán, đơn điệu…"